Đối với địa hình hơn ba phần tư là đồi núi như tại Việt Nam, việc phải dừng đỗ xe trên đường đèo hay dốc dường như chắc chắn sẽ gặp phải khi cầm lái, và có lẽ phần đông trong chúng ta vẫn nghĩ rằng đỗ xe trên dốc không khác là bao so với ở đường bằng.
Nhưng nếu phải đỗ dài hơi qua đêm hoặc nơi có độ dốc lớn thì sẽ cần thêm những thao tác phụ để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra cho “xế cưng” và cả những người xung quanh, nhất là với những chiếc SUV và bán tải “to con”.
Bài viết này sẽ tập trung chính vào hai trường hợp đỗ xe song song cặp sát đường lên và xuống dốc do xe sẽ dễ bị trôi hơn cả so với việc đỗ xe vuông góc trên dốc, trường hợp mà bản thân tôi chưa từng bắt gặp tại Việt Nam 🙂
Cách đơn giản và an toàn nhất để xe “đứng vững” trên dốc là dùng một vật để chèn bánh xe như cục đá, một khúc gỗ mà bạn có thể tìm ven đường hoặc đã chuẩn bị sẵn từ trước. Điểm cần lưu ý là trước khi bắt đầu di chuyển khỏi điểm đỗ, bạn cần nhớ “thu dọn” vật chèn bánh nếu không muốn bỏ lại một chướng ngại cho các phương tiện khác trên đường, hay thậm chí cán qua khiến xe của bạn hư hỏng.
Nhưng sẽ ra sao khi bạn không có gì đóng vai trò “mỏ neo”, hoặc bạn vẫn chưa mấy an tâm? Sau đây là ba trường hợp thường gặp nhất và cách xử lý để chắc rằng chiếc xe sẽ yên vị và không gây ra tai nạn đáng tiếc nào.
Đỗ xe lên dốc và có vỉa hè
Khi này, đầu tiên bạn cần đưa xe cách lề một khoảng từ 20 đến 30 cm, tiếp đến đánh tay sang trái rồi nhẹ nhàng lùi lại để bánh trước bên phải chèn vào bệ đường và không cần phải trả thẳng tay lái, lưu ý rằng bạn không cần phải đánh hết lái để tránh hư hỏng về lâu dài cho hệ thống lái và gây vướng cho xe máy. Sau cùng, bạn kéo phanh tay, tắt máy, về số P đối với xe số tự động hoặc về số 1 đối với hộp số sàn.